Công ty tư vấn khảo sát và thiết kế công trình Thân Hồng Quang

Uy tín - Chất lượng - Tiến độ - Hiệu quả

Hotline: 0902 296 117
Menu Hotline: 0902 296 117

Quy cách lấy mẫu một số loại VLXD cơ bản

Chất lượng của vật liệu xây dựng là một trong những yếu tố cơ bản, quan trọng để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Hiện nay việc lấy mẫu thử của các loại vật liệu như thế nào để đảm bảo theo yêu cầu của pháp luật về xây dựng đang là vấn đề cần được quan tâm. Bài viết này sẽ tổng hợp cách lấy mẫu thí nghiệm một số loại VLXD cơ bản theo các tiêu chuẩn hiện hành.

1. Xi măng: Tiêu chuẩn áp dụng TCVN 6260-1995.


Mỗi lô xi măng nhỏ hơn 40 tấn đều phải lấy 02 mẫu, mỗi mẫu 20kg để làm thí nghiệm. Mẫu xi măng phải được lấy rải rác ở các bao trong kho, mỗi bao lấy 1kg. Làm thí nghiệm 01 mẫu và 01 mẫu lưu để đối chứng khi cần thiết. Trong thời gian 60 ngày nếu không có khiếu nại nào giữa bên mua và bán xi măng về kết quả thí nghiệm thì phòng thí nghiệm làm thủ tục hủy bỏ mẫu lưu.

Khi bắt đầu nhập xi măng về công trường đại diện bên A, bên B cùng nhau lấy mẫu đóng gói niêm phong lập biên bản lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm để làm thí nghiệm. Mẫu xi măng phải được để trong hộp kín tránh nước, tránh các hóa chất khác, tránh nhiệt độ cao và để nơi khô ráo.

Mỗi mẫu thí nghiệm phải làm ít nhất 5 chỉ tiêu quy định trong bảng 1 (của TCVN 6260-1995).

2. Cát xây dựng (đổ bê tông): Tiêu chuẩn áp dụng TCVN 7570:2006.

Cứ 350m3 (hoặc 500 tấn) cát lấy một mẫu thử với khối lượng 100kg, lấy rải rác ở nhiều vị trí khác nhau trong một đống cát cùng loại, góp lại và trộn đều, đóng gói và lập biên bản lấy mẫu, mang đi thí nghiệm.

3. Đá dăm (sỏi) các loại dùng trong bê tông: Tiêu chuẩn áp dụng TCVN 7572:2006.

Cứ nhỏ hơn 200m3 đá lấy 01 mẫu thử với khối lượng từ 100-200kg tùy theo cỡ hạt. Lấy rải rác ở nhiều vị trí khác nhau trong một đống đá cùng loại, góp lại trộn đều, đóng gói, lập biên bản lấy mẫu, mang đi thí nghiệm.

4. Đất đắp nền: Tiêu chuẩn áp dụng TCVN 5747:1993 và TCVN 4447:2012.

Cứ 1 lô 10.000m3 lấy mẫu 1 lần, mỗi mẫu 50kg. Mỗi lô nhỏ hơn 10.000m3 vẫn xem như 1 lô.


5. Độ chặt đắp nền, độ chặt của các lớp móng: Tiêu chuẩn áp dụng 22TCN 211:06 và TCVN 8730:2012.

Cứ 500m2 lấy mẫu 1 điểm.

6. Thép xây dựng: Tiêu chuẩn áp dụng TCVN 1651:2008.

a) Kiểm tra đường kính cốt thép bằng cách cân trọng lượng:

Khi đưa thép vào sử dụng cần kiểm tra đường kính thực của cốt thép như sau: Cắt 01 đoạn thép dài 1m để cân kiểm tra trọng lượng Q (gram), đường kính thực của cây thép được tính bằng công thức sau:

Dthực = 0,43 * Căn bậc 2 (Q) (mm)

b) Lấy mẫu và thí nghiệm thép: Cứ mỗi lô thép có khối lượng <=50 tấn, cần lấy 01 nhóm mẫu thử để kiểm tra, bao gồm tất cả các chủng loại cốt thép trong lô, mỗi loại lấy 03 thanh dài từ 0,5m-0,8m. Các chỉ tiêu cơ lý khi thí nghiệm thép:

- Giới hạn chảy, giới hạn bền.
- Độ giãn dài.
- Đường kính thực đo.
- Uốn nguội.

7. Thép hình kết cấu xây dựng: Tiêu chuẩn áp dụng 1651:2009.

Cứ mỗi lô thép có khối lượng <=50 tấn, cần lấy 01 nhóm mẫu thử để kiểm tra, bao gồm tất cả các chủng loại cốt thép trong lô, mỗi loại lấy 03 thanh dài từ 0,5m-0,8m. Các chỉ tiêu cơ lý khi thí nghiệm thép:

- Giới hạn chảy, giới hạn bền.
- Độ giãn dài.

8. Gạch xây dựng: Tiêu chuẩn áp dụng TCVN 1450:2009 và TCVN 1451-1998.

Cứ mỗi lô 50.000 viên gạch lấy 01 mẫu thử gồm 30 viên. Mỗi lô nhỏ hơn 50.000 viên xem như một lô. Các chỉ tiêu cơ lý khi thí nghiệm gạch:

- Cường độ nén;
- Cường độ uốn;
- Khối lượng thể tích;
- Hình dạng và kích thước;
- Các khuyết tật ngoại quan.

9. Gạch bê tông tự chèn, gạch bê tông lát: Tiêu chuẩn áp dụng TCVN 6476-1999.

Cứ một lô 15.000 viên lấy một tổ mẫu gồm 20 viên. Một lô nhỏ hơn 15.000 viên xem như một lô. Kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý theo TCVN 6476-1999.

10. Bê tông: Tiêu chuẩn áp dụng TCVN 4453:1995.

Trongquá trình thi công xây dựng cán bộ giám sát của Chủ đầu tư (hoặc TVGS) và cán bộ kỹ thuật thi công của nhà thầu xây dựng phải lấy mẫu bê tông tại hiện trường. Cán bộ kỹ thuật của Chủ đầu tư (hoặc TVGS) ký xác nhận trên tem và dán lên mẫu ngay sau khi vừa đúc mẫu bê tông (khi bê tông còn ướt). Thí nghiệm ép mẫu bê tông ở tuổi từ 07ngày, 28ngày.

Mỗi loại cấu kiện bê tông phải lấy một tổ mẫu gồm 03 viên mẫu được lấy cùng một lúc ở cùng một chỗ theo quy định của TCVN 3105:1993. Kích thước viên mẫu 10x10x10cm hoặc 15x15x15cm. Số lượng tổ mẫu được quy định theo khối lượng như sau:

- Đối với bê tông khối lớn: cứ 500m3 lấy 01 tổ mẫu khi khối lượng bê tông trong một khối đổ lớn hơn 1000m2 và cứ 250m3 lấy 01 tổ mẫu khi khối lượng bê tông trong một khối đổ ít hơn 1000m3.

- Đối với các móng lớn: cứ 100m3 bê tông lấy 01 tổ mẫu nhưng không ít hơn một tổ mẫu cho một khối móng.

- Đối với bê tông móng bệ máy có khối lượng đổ lớn hơn 50m3 thì cứ 50 m3 lấy 01 tổ mẫu nhưng vẫn lấy một tổ mẫu khi khối lượng ít hơn 50m3.

- Đối với kết cấu cấu khung cột, dầm, sàn cứ 20m3 lấy 01 tổ mẫu, nhưng khi khối lượng ít hơn thì vẫn phải lấy một tổ mẫu cho mỗi loại cấu kiện.

- Đối với các kết cấu đơn chiếc khác có khối lượng ít hơn thì vẫn phải lấy một tổ mẫu.

- Đối với bê tông nền, mặt đường,… cứ 200m3 lấy 01 tổ mẫu nhưng nếu khối lượng bê tông ít hơn 200m3 thì vẫn phải lấy một tổ mẫu.

11. Vữa xây, trát:

- Lấy mẫu vữa theo tiêu chuẩn TCVN 3121-1993.
- Mỗi hạng mục công việc xây trát công trình nghiệm thu lấy 01 nhóm mẫu.
- Kíchthước mẫu 4x4x16cm hoặc 7,07x7,07x7,07cm.

0902 296 117